Nhân dân địa phương thường gọi là Địa đạo Lê Hồng Long. Lê Hồng Long là đại biểu quốc hội khóa I, sớm nắm bắt được chủ trương của Liên khu V và Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc xây dựng phòng tuyến chiến đấu chống sự đổ bộ, xâm nhập của thực dân Pháp vào vùng ven biển bằng các công sự và hầm địa đạo chiến đấu. Ông Lê Hồng Long trực tiếp thiết kế địa đạo và cùng với chính quyền địa phương huy động nhân dân đào nên địa đạo này.
Địa đạo Đức Chánh - một công trình đường hầm kiên cố trong lòng đất, được nhân dân và dân quân du kích xã Đức Chánh đào ròng rã trong nhiều tháng trời vào năm 1947 trong kháng chiến chống Pháp, với mục đích vừa để sơ tán nhân dân tránh bom đạn, vừa để bộ đội và dân quân du kích trụ bám chiến đấu chống quân Pháp đổ bộ càn quét vào vùng ven biển.
Địa đạo được đào có tổng chiều dài hơn 300 mét, khởi phát từ vườn ông Lê Thuần (anh ruột ông Lê Hồng Long) đi qua vườn ông Lộng phía đông bắc và vườn ông Đinh phía tây nam. Địa đạo gồm một trục đường hầm chính theo hướng đông tây, sâu xuống lòng đất 4,5m, đường hào cao từ 1.5m đến 1.7m, rộng từ 1 đến 1.2m, có nhiều chỗ rộng 3 mét để kê sạp, bàn ghế phục vụ cho việc sơ tán dân khi cần thiết. Trần đường hầm khoét hình vòng cong, dọc theo trục đường hầm không hề có cột kèo chống đỡ nhưng vẫn đảm bảo được độ bền, bởi đường hầm được nhân dân địa phương đào.
Vùng đất sỏi feralit hóa của vùng đồi núi ven biển Đức Chánh có độ rắn rất lớn nên càng tăng thêm độ vững chắc cho đường hầm. Từ trục đường hầm chính tỏa ra bốn cửa, trong đó có một cửa chính ở đầu địa đạo được mở tại vườn ông Lê Thuần, được đào sâu xuống lòng đất 4,5m sau đó đào ngang hông tạo thành đường hầm, còn ba cửa phụ được đào thông lên phía đất rấy trên núi, nhưng cạn hơn cửa chính và tạo thành nhiều bậc thang cho dễ lên xuống và các lỗ thông hơi. Năm 1947, nhân dân địa phương đã đi đầu trong phong trào "xây dựng phòng tuyến", đào địa đạo hầm công sự, sẵn sàng chiến đấu chống sự xậm nhập đổ bộ của thực dân Pháp và bọn Việt gian theo chủ trương của Đảng và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung bộ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là từ năm 1965 địa đạo Đức Chánh được tiếp tục sử dụng và mở rộng về quy mô tạo nên một hệ thống đường hầm liên hoàn vững chắc với nhiều ngóc ngách cửa hầm, lỗ thông hơi nối liền với các giao thông hào, hầm chiến đấu của thôn 2 - núi Bàu Súng. Nhờ đó bộ đội và du kích địa phương đã trụ bám, anh dũng chiến đấu chống Mỹ ngụy càn quét, bảo vệ nhân dân, bảo vệ xóm làng, quê hương.
Trận đánh tại Địa đạo Đức Chánh năm 1967
Đức Chánh là nơi có địa hình nhiều núi non dọc ven biển, thuận lợi cho việc xây dựng công sự, địa đạo, có thể đảm bảo cho việc giấu quân, ém quân kín đáo của quân chủ lực Việt cộng để tấn công vào các chốt điểm đóng quân của lính Mỹ Ngụy ở đồng bằng, đồng thời đây cũng là nơi có phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ nên Mỹ Ngụy tập trung lực lượng đánh phá bất ngờ vào đây, hòng xóa đi một "căn cứ" lợi hại ở vùng đồng bằng.
Thực hiện âm mưu đó, sáng ngày 20/5/1967, hai chiếc máy bay lên thẳng của Mỹ cho pháo bắn tới tấp xuống đồi An Phong, đồi Hoài An, núi Bàu Súng. Sáng hôm sau (21/5/1967) chúng tiếp tục cho máy bay trực thăng chở hàng tấn thuốc nổ và dùng khối thuốc nổ này đánh sập các cửa hầm và lỗ thông hơi của địa đạo, tàn sát một lúc 21 người gồm cán bộ, bộ đội, dụ kích và nhân dân địa phương đang trú ẩn tại đây. Sau khi bọn lính Mỹ rút khỏi làng, nhân dân và du kích đã khai quật miệng hầm đưa xác 19 đồng chí lên chôn cất. Còn hai đồng chí bị vùi lấp trong lòng địa đạo chưa tìm được xác. Đến tháng 9/1999, Phòng Lạo động Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với chính quyền địa phương đã khai quật địa đạo tìm được xác của một đồng chí tên là Nguyễn Luốc, còn một người tên là Thân đến nay vẫn chưa tìm được.
Ý nghĩa
Di tích này là nơi tưởng niệm 21 cán bộ chiến sĩ, đồng bào Đức Chánh - Mộ Đức đã hy sinh cho chiến thắng của quân và dân ta, về tinh thần anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương của quân dân Đức Chánh – Mộ Đức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đồng thời di tích địa đạo này còn có giá trị rất lớn, thể hiện tinh thần kiên cường, ý chí bất khuất và sự sáng tạo tuyệt vời của Đảng bộ và nhân dân Đức Chánh - Mộ Đức trong việc xây dựng đường hầm chiến đấu dưới lòng đất để chống lại cuộc chiến tranh hủy diệt tàn bao của kẻ thù. Và đến nay (nếu được khai quật khai thông đường hầm nguyên gốc) địa đạo này còn có ý nghĩa về mặt quân sự trong việc xây dựng tuyến phòng thủ ven biển trong một cuộc chiến tranh hiện đại.
(Nguồn: Hồ sơ lí lịch khoa học di tích Địa đạo Đức Chánh)
(Di tích Địa đạo Đức Chánh được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số Số 3816 /QĐ-CT UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 31/12/2002)