Nằm ở cạnh quốc lộ 24 (nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên) thuộc tổ dân phố Đá Bàn, thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, cách TP. Quảng Ngãi khoảng 60 km về hướng Tây Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ba Tơ có vị trí chiến lược quan trọng trong hệ thống phòng ngự và tiến công của địch. Vì vậy, để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Ba Tơ, ngăn chặn các cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang, bảo vệ hành lang và trục giao thông quốc lộ 5A (nay là quốc lộ 24), đồng thời làm bàn đạp hành quân càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng, đánh phá vùng căn cứ rừng núi phía tây của huyện Mộ Đức và huyện Đức Phổ. Mỹ - ngụy đã xây dựng quận lỵ Ba Tơ thành cụm cứ điểm mạnh bao gồm các chốt điểm ngoại vi và chi khu quân sự - quận lỵ cùng Trung tâm biệt kích Đá Bàn án ngữ phía tây của chi khu quân sự này.
Trung tâm biệt kích Đá Bàn là một cứ điểm phòng ngự kiên cố do một tiểu đoàn Biệt động quân, lực lượng chuyên tác chiến ở rừng núi đóng giữ, có hệ thống các thiết bị quân sự như hầm ngầm, lô cốt, ụ súng, hào chiến đấu, trận địa pháo, hầm trú ẩn, nhà ở, kho tàng. Ngoài hệ thống công sự, hầm ngầm bằng bê tông vững chắc, bố trí mìn chống bộ binh, mìn chiếu sáng trong các lớp rào và đèn ne-on bảo vệ ban đêm, Trung tâm biệt kích Đá Bàn còn được bao bọc bởi sông Liêng và sông Tô ở ba mặt Đông, Nam, Bắc cho nên để đánh thắng và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây là không hề dễ dàng.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 9-1971, Thường vụ Khu ủy và Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu V quyết định trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, mở những chiến dịch lớn như: tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi, các quận lỵ Quế Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam); tiêu diệt chi khu quận lỵ Ba Tơ và trại biệt kích Đá Bàn giải phóng quận lỵ Ba Tơ…. nhằm tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy, phá vỡ từng mảng hệ thống phòng thủ cơ bản của địch. Trong đó, xác định cuộc tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở chi khu quận lỵ và Trung tâm biệt kích Đá Bàn, giải phóng quận lỵ Ba Tơ có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng căn cứ rừng núi phía tây nam Quảng Ngãi. Đồng thời hỗ trợ cho lực lượng địa phương đánh địch, giải phóng đại bộ phận vùng nông thôn hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ.
Quán triệt chủ trương nói trên của khu ủy Khu V, trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thành lập Ban chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Tỉnh đội và quyết định mở ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Xuân - Hè (từ 13-4 đến 30-6-1972); chiến dịch Thu (từ 10-7 đến 2-9-1972) và chiến dịch Tổng hợp sau thu (từ 15-9 đến 31-10- 1972). Trong chiến dịch Tổng hợp sau Thu, Tỉnh ủy chọn cánh Nam bao gồm các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ làm trọng điểm mà then chốt là chiến dịch giải phóng Ba Tơ. Để đảm bảo về căn bản cho yêu cầu của chiến dịch giải phóng Ba Tơ, Tỉnh ủy đã huy động dân công, thanh niên xung phong làm hàng trăm km đường mới cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí đạn dược; tổ chức thu mua và vận chuyển được 14 vạn tấn gạo phục vụ chiến dịch.
Cùng với công tác chuẩn bị điều kiện và vật chất, Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Ngãi điều tiểu đoàn 20 từ Sơn Hà về phối hợp với bộ đội chủ lực quân khu V bao vây giải phóng quận lỵ Ba Tơ. Thời điểm nổ súng tiến công chi khu quận lỵ Ba Tơ và Trung tâm biệt kích Đá Bàn cũng là vào đêm 15 rạng ngày 16 tháng 9 năm 1972. Địa hình xung quanh chi khu quận lỵ Ba Tơ và Trung tâm biệt kích Đá Bàn trống trải, ngăn cách bởi các con sông có đường quốc lộ 5A chạy qua, khó khăn cho việc tiếp cận trận địa và mục tiêu đánh chiếm, hạn chế yếu tố bất ngờ. Thời tiết vào mùa mưa, có mưa to, bão lụt nên không thuận lợi cho việc cơ động lực lượng.
Tình hình địch: địch ở chi khu quận lỵ Ba Tơ và các chốt điểm phòng ngự vòng ngoài, quân số khoảng 1.500 tên do một trung tá quận trưởng chỉ huy. Địch ở Trung tâm biệt kích Đá Bàn, quân số khoảng 600 tên do một trung tá Tiểu đoàn trưởng chỉ huy.
Tình hình ta: lực lượng tham gia chiến dịch Ba Tơ có Trung đoàn 52 và trung đoàn 459, đặc công quân khu V cùng tiểu đoàn 20 của tỉnh đội Quảng Ngãi và lực lượng vũ trang, bán vũ trang của huyện Ba Tơ đảm nhận hướng phối hợp.
Về sử dụng lực lượng và phạm vi tác chiến:
Trung đoàn 52 gồm 3 tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh vào chi khu quận lỵ Ba Tơ; Trung đoàn đặc công 459, biên chế 3 tiểu đoàn 406, 409 và 59 có nhiệm vụ đánh vào Trung tâm biệt kích Đá Bàn, tiểu đoàn 20 lực lượng vũ trang tỉnh với 3 đại đội đảm nhận nhiệm vụ đánh địch ở các chốt điểm Hòn Cú, Hang Én, Cây Da. Lực lượng vũ trang và bán vũ trang huyện Ba Tơ đảm nhận nhiệm vụ đón đánh địch tháo chạy và truy kích địch bắt tù binh.
Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị vật chất, chuẩn bị chiến trường và công tác hợp đồng tác chiến trên các hướng tiến công địch, lập đài quan sát theo dõi hoạt động của địch. Đêm ngày 15-9-1972 đã triển khai toàn bộ lực lượng vào các vị trí chiến đấu. 1 giờ sáng ngày 16-9-1972, lệnh xuất kích được truyền đi từ Bộ chỉ huy chiến dịch, các mũi tiến công của ta đồng loạt nã đạn vào các vị trí đóng quân của địch. Ở chi khu quận lỵ Ba Tơ, bằng chiến thuật đặc công kết hợp với sử dụng hỏa lực mạnh bắn chế áp các cụm hỏa điểm của địch, bộ đội chủ lực trung đoàn 52 áp sát trận địa, dùng bộc phá phá các lớp rào, diệt từng lô cốt, đánh chiếm từng đoạn giao thông hào. Sau đó, đánh mở cửa chủ yếu ở hướng Đông Nam, đánh vào nhà chỉ huy, trung tâm thông tin và các lô cốt.
Sau 4 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng bộ đội chủ lực trung đoàn 52 đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn chi khu quận lỵ Ba Tơ vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 18 tháng 9 năm 1972.
Trong khi trung đoàn 52 đánh chiếm và làm chủ chi khu quân sự Ba Tơ thì trung đoàn 459 sau 4 ngày liên tục tiến công địch nhưng vẫn không dứt điểm được Trung tâm biệt kích Đá Bàn. Quân địch dựa vào bàn đạp này để tổ chức phản kích chiếm lại quận lỵ. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh chuyển sang đánh lấn, vây ép địch ở cứ điểm Đá Bàn.
Được tin chi khu quận lỵ Ba Tơ bị tiêu diệt, cứ điểm Đá Bàn bị bao vây, ngày 27 tháng 9 năm 1972 địch cho máy bay lên thẳng đổ hai tiểu đoàn 60 và 61 thuộc liên đoàn quân biệt động số 11 cùng tiểu đoàn 2 trung đoàn 5 (thuộc sư đoàn 2 bộ binh) và 4 đại bác 105 mi-li-mét xuống Động Ta, núi Cao Muôn (xã Ba Chùa). Địch đặt trận địa pháo 105 mi-li-mét tại Động Ta, núi Cao Muôn để bắn yểm trợ cho quân đổ bộ tiến công tái chiếm chi khu quận lỵ Ba Tơ và giải cứu cho Trung tâm biệt kích Đá Bàn.
Lực lượng đổ bộ gồm 3 tiểu đoàn, được chia làm hai cánh:
- Cánh thứ nhất từ núi Động Ta đi dọc theo bờ bắc sông Liêng qua Đồng Dâu đến cánh Đồng Chùa để đánh vào chi khu quận lỵ ở hướng Tây Bắc. Bằng chiến thuật vận động phục kích từ các vị trí giấu quân, bộ đội chủ lực trung đoàn 52 đã tập kích cánh quân thứ nhất của địch ở Đồng Dâu, sau đó là ở Đồng Chùa, tiêu diệt và làm tiêu hao một số lượng sinh lực địch, đồng thời bao vây chia cắt không cho chúng tập hợp sức mạnh của toàn bộ cánh quân tiến công vào quận lỵ Ba Tơ, phá vỡ hoàn toàn thế trận phản kích của địch trên hướng Tây Bắc.
- Cánh quân thứ hai từ núi Động Ta đi qua thôn Dốc Mốc rồi theo quốc lộ 5A lên thôn Tài Năng đánh vào quận lỵ Ba Tơ từ hướng Đông Bắc. Khi đội hình đi đầu của cánh quân thứ hai đến địa phận thôn Tài Năng, cách chi khu quận lỵ khoảng 500m, đã lọt vào trận địa phục kích của ta được bố trí từ địa bàn thôn Tài Năng đến địa phận thôn Dốc Mốc. Lệnh xuất kích được truyền xuống, bộ đội chủ lực Trung đoàn 52 đồng loạt nổ súng tiến công địch từ hướng đối diện và phía sau lưng đã làm cho đội hình địch hoảng loạn. Liền đó từ hướng Bắc và xu hướng Nam, các mũi tiến công của quân ta đánh mãnh liệt vào sườn trái và sườn phải của địch, bao vây chia cắt lực lượng địch ở phía trước với lực lượng địch ở phía sau. Hỏa lực mạnh của ta như đại liên, đê-ka-zét, cối các loại bắn mãnh liệt vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, địch co cụm lại và phát triển ra khu vực hai bên đường dựa vào địa vật cản để chống cự. Lúc này, máy bay HU1A của địch đến phóng Rốc-két và đại liên để cứu nguy cho bộ binh địch. Các tổ bắn máy bay của trung đoàn 52, dùng đại liên bắn rơi máy bay địch. Vì sợ lưới lửa của đại liên, máy bay địch quần lượn trên cao phóng Rốc-két xuống trận địa. Với sự yểm trợ của Rốc- kết, địch xốc lại đội hình, tổ chức 4 đợt tiến công liều chết đánh vào quận lỵ.
Song với tinh thần anh dũng, ngoan cường, quyết chiến, quyết thắng, bộ đội chủ lực trung đoàn 52, đã đánh bật quân địch ra khỏi quận lỵ, bẻ gãy mũi phản kích của địch trên hướng Đông Bắc, Chi khu, quận lỵ Ba Tơ vẫn được giữ vững, Trung tâm biệt kích Đá Bàn vẫn bị ta bao vây. Cuộc phản kích lần thứ nhất của địch đã bị thất bại.
Bị tổn thất nặng nề trong cuộc phản kích lần thứ nhất, địch tiếp tục đổ thêm tiểu đoàn 77 biệt động quân và tiểu đoàn 3, trung đoàn 5 xuống nước Niên, xã Ba Bích, mở cuộc phản kích lần thứ 2 đánh vào quận lỵ Ba Tơ từ hướng Tây Nam. Nhưng với tinh thần dũng cảm và mưu trí, bộ đội chủ lực quân khu V, lực lượng vũ trang tỉnh, dân quân du kích, đã kiên quyết bám trụ, liên tục tiến công và phản công, đánh bại 3 đợt tiến công của địch vào quận lỵ, đập tan cuộc phản kích lần thứ 2.
Sau khi đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn của địch trong hai cuộc phản kích, trung đoàn 52 được Bộ tư lệnh Mặt trận giao trọng trách tiếp tục tiến công tiêu diệt tiểu đoàn 69 Biệt động quân ở Trung tâm biệt kích Đá Bàn. Trong hơn 1 tháng bị vây ép liên tục, lại bị thương vong một số, nên cả sĩ quan và binh lính địch đều giao động. Đúng 23 giờ 45 phút ngày 29 tháng 10 năm 1972, trung đoàn 52 tập trung lực lượng và hỏa lực mạnh đánh mãnh liệt tiểu đoàn 69 biệt động quân ở Trung tâm biệt kích - Đá Bàn. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, bộ đội chủ lực trung đoàn 52 đã đánh mở cửa ở các hướng Đông, Nam, Bắc và tiêu diệt từng khu vực phòng ngự của địch. Hoảng sợ trước sức tiến công mãnh liệt của bộ đội ta, quân địch tháo chạy ra hướng Bắc, ta tiêu diệt dứt điểm tiểu đoàn 69. 0giờ 35 phút, ngày 30 tháng 10 năm 1972 lá cờ mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Sở Chỉ huy của tiểu đoàn 69, kết thúc thắng lợi trận đánh Đá Bàn ròng rã 45 ngày đêm và chiến dịch giải phóng Ba Tơ lịch sử, giải phóng hoàn toàn huyện Ba Tơ.
Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.800 tên địch, thu rất nhiều phương tiện chiến tranh, bắn rơi tại chỗ 3 máy bay, phá sạch các ấp và khu dồn, giải phóng hơn 5000 dân.
Chiến thắng Đá Bàn là chiến thắng có ý nghĩa to lớn về chiến thuật đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch giải phóng Ba Tơ, giải phóng hoàn toàn huyện Ba Tơ. Chiến thắng này đã đập tan cụm phòng ngự kiên cố của địch ở vùng rừng núi Tây Nam Quảng Ngãi, tạo ra thế và lực mới để quân dân tỉnh nhà tổng tiến công và tiêu diệt làm tan rã toàn bộ hệ thống quân sự chính trị của địch, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975.
Cuộc chiến đấu 45 ngày đêm và những thắng lợi của quân ta trong việc tiêu diệt các đơn vị quân chủ lực của sư đoàn 2 và liên đoàn biệt động quân số 11 của quân Ngụy trong chiến dịch Ba Tơ và trận đánh Đá Bàn, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari, rút quân về nước, tạo ra cục diện mới, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Trong chiến dịch Ba Tơ, để đánh thắng và tiêu diệt một số lượng lớn sinh lực địch quân ta cũng phải chịu sự tổn thất không nhỏ. Nhiều cán bộ chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Ba Tơ thân yêu.
Di tích chiến thắng Đá Bàn nơi đã ghi dấu chiến tích vẻ vang trận đánh thắng quân địch phòng ngự trong công sự vững chắc của quân chủ lực khu V phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang của tỉnh Đội và quân, dân Ba Tơ kiên cường.
Di tích Chiến thắng Đá Bàn là nơi ghi dấu chiến công và tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu 45 ngày đêm để quê hương Ba Tơ được giải phóng. Di tích này còn là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc trong nhân dân nhất là thế hệ trẻ.
(Di tích Đá Bàn được công nhận là di tích cấp tích cấp tỉnh theo quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 02/2/2021)